• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

CNN làm phóng sự Growing VietNam: Nhịp đập kinh tế của Việt Nam đang thay đổi nhờ vào công nghệ

Công nghệ 07/04/2020 19:50

(Tổ Quốc) - Công nghệ đang định hình lại cách người Việt kinh doanh, sản xuất hàng hoá, mua sắm, tổ chức tài chính và giao tiếp.

Đây là nhìn nhận của CNN thông qua bài phỏng vấn một số nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp số tại Việt Nam như: Appota, Royal Spirit Group, Tiki. Ngoài ra, CNN cũng đã trích dẫn một báo cáo của Google và Singapore Temasek, mô tả nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam - vốn đang tăng trưởng hơn 40% mỗi năm, và đang đánh giá là "một con rồng đang trỗi dậy".

Appota

Được coi là một trong những công ty khởi nghiệp năng động nhất tại Việt Nam, Appota đã khéo léo nắm bắt được sự tăng trưởng của thị trường smartphone trong nước.

CNN làm phóng sự Growing VietNam: Nhịp đập kinh tế của Việt Nam đang thay đổi nhờ vào công nghệ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thùy Liên - Giám đốc đầu tư của Appota. Ảnh: CNN

Theo bà Nguyễn Thùy Liên - Giám đốc đầu tư của Appota, công ty này ra mắt từ năm 2011, và đang có “hệ sinh thái số” với khoảng hơn 40 triệu người dùng. Doanh nghiệp này đã tung ra các trò chơi được cấp phép từ các nhà phát hành tại Trung Quốc (game nhập vai, kỹ xảo, võ thuật), xây dựng ứng dụng thanh toán cho game thủ, cũng như cung cấp các ứng dụng chia sẻ Wi-Fi đọc sách, xem tin tức, phim, truyện tranh và các hình thức giải trí khác. Ngoài ra, Appota cũng đang điều hành một công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các doanh nghiệp.

CNN dẫn lại một báo cáo năm 2019 của Google và Hiệp hội Tiếp thị Di động đã xác định Việt Nam là "thị trường gắn liền với điện thoại di động" với hơn 51 triệu smartphone, lượng người dùng từ 15 tuổi trở lên đang chiếm hơn 80%. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có mạng phủ sóng rộng khắp, và ngay cả những người dân nông thôn hay vùng núi cũng có thể truy cập 3G hoặc 4G.

Hiện nay, bà Nguyễn Thùy Liên chịu trách nhiệm đảm bảo việc thu hút nguồn vốn cho Appota, đến nay đã huy động được 17 triệu USD. Bà cho biết việc thu hút đầu tư hiện nay dễ dàng hơn so với trước đây. Trong đó, phần lớn các quỹ đầu tư đều đến từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo bà, các nhà đầu tư Việt Nam có vẻ vẫn còn khá e dè vào lĩnh vực công nghệ, họ bảo thủ hơn và thích đầu tư vào bất động sản hơn.

Trong những năm tới, Appota sẽ có bước đột phá mới bằng việc dấn thân vào phát triển các sản phẩm vật lý, hoạt động thông qua điện thoại thông minh. Gần đây, Appota đã cho ra mắt khóa thông minh được vận hành bởi phần mềm do Appota phát triển. Bà Nguyễn Thùy Liên cũng chia sẻ: “Tầm nhìn của Appota là tích hợp tối đa nền tảng điện thoại thông minh vào hoạt động tại nhà và công sở". Đây chính là bước tiếp theo của “chuyển đổi số".

Royal Spirit Group

Là một quốc gia có thế mạnh sản xuất, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Bangladesh). Song, ngành công nghiệp dệt may toàn cầu đang gây ô nhiễm cao, tạo ra hơn 90 tỷ mét khối nước mỗi năm và chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Hong Kong Royal Spirit Group đã mở nhà máy Deutsche BekleidungsWerke ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh, vào năm 2016.

"Chúng tôi quyết định đặt sự bền vững bên hàng đầu", ông Han Barkell-Schmitz, người đã xây dựng và lãnh đạo dự án cho hay.

Được biết đến với tên DBW, nhà máy trị giá 20 triệu USD được thiết kế để đảm bảo cả yếu tố môi trường và sinh kế cho hơn 1.000 lao động.

CNN làm phóng sự Growing VietNam: Nhịp đập kinh tế của Việt Nam đang thay đổi nhờ vào công nghệ - Ảnh 2.

Hans Barkell-Schmitz tại nhà máy DBW. Ảnh: CNN

"Ngay cả ghế ngồi cũng được sản xuất để phù hợp với kích thước cơ thể trung bình của người Việt Nam", Barkell-Schmitz nói. Trong toàn bộ nhà máy, đèn LED phát sáng ở mức tối ưu để giảm mỏi mắt và đau đầu, công ty cũng tính toán để đặt hệ thống thông gió và điều hòa không khí ở nhiệt độ phù hợp.

"Tôn chỉ của chúng tôi là - nếu chúng tôi có người lao động hạnh phúc, chúng tôi sẽ có hiệu quả cao hơn, và đó là một chiến thắng hai bên cùng có lợi", Barkell-Schmitz nói.

"Cắt giảm tiêu thụ năng lượng là chìa khóa. Nhà máy chạy bằng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng thủy điện, nhiên liệu sinh học và năng lượng mặt trời", Barkell-Schmitz nói.

Nhóm của ông đã chọn thiết bị với "sự tỉ mỉ đến hoàn hảo". Họ đã chọn máy may của Đức - loại tự động tắt khi không khâu. Máy ủi và may của DBW sử dụng ít điện hơn nhiều so với máy thông thường.

Nhà máy được trang bị "máy nhuộm kỹ thuật cao, sử dụng ít thuốc nhuộm và nước". Máy nhuộm tự hoạt động như một cái phễu khổng lồ, dẫn nước mưa vào bể - sau đó được lọc và sử dụng để giặt vải. Nhà máy cũng kết hợp một hệ thống nước hiện đại - trong đó nước rửa tay và nước rửa chén được lọc và tái sử dụng để tưới vườn rau quả, cung cấp thực phẩm cho nhà ăn của nhà máy.

Thương mại điện tử có sự bùng nổ mạnh mẽ

Trong thị trường thương mại điện tử, Tiki đang được đánh giá là một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Theo CEO Tiki - ông Trần Ngọc Thái Sơn: “Tiki có một lượng lớn đơn hàng tiêu dùng, với trung bình 17 triệu lượt khách hàng ghé thăm và khoảng 4,5 triệu mặt hàng được vận chuyển mỗi tháng”.

Sự mở rộng của Tiki là minh chứng cho tốc độ bùng nổ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ước tính trị giá 6,2 tỉ USD vào năm 2019. Quá trình tăng trưởng này được tiếp sức bởi quy mô dân số trẻ không ngừng phát triển của dân số Việt Nam. Người Việt Nam nắm bắt công nghệ mới rất nhanh và cảm thấy lạc quan về tương lai, điều này thúc đẩy họ lên mạng và mua sắm online. Những mặt hàng hàng đầu của Tiki là hàng điện tử tiêu dùng.


CNN làm phóng sự Growing VietNam: Nhịp đập kinh tế của Việt Nam đang thay đổi nhờ vào công nghệ - Ảnh 3.

CEO Tiki - ông Trần Ngọc Thái Sơn. Ảnh: CNN.

“Logistic hiệu quả” là chìa khóa thành công của công ty. Tiki có 33 kho hàng tại 13 thành phố và tự hào về việc giao hàng nhanh trong 2 giờ. Song, mặc dù Việt Nam đang đô thị hóa, nhưng gần 2/3 dân số vẫn sống ở nông thôn, dẫn đến việc giao hàng đến các vùng xa thường mất nhiều thời gian hơn và chi phí cao hơn.

Ông Sơn cũng chia sẻ rằng: “Hơn một nửa số người mua hàng vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng”. Chính vì thế, điều mà các đơn vị thương mại điện tử mong muốn là xu hướng thanh toán điện tử được áp dụng rộng rãi hơn. Khi đó, người bán được trả tiền sớm hơn và mọi khâu đều được rút ngắn.

Hoàng An - Nhịp Sống Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ